Bài viết dưới đây chúng tôi xin nêu những căn nguyên, biểu hiện đau bụng cấp ở trẻ em để bạn đọc nhận biết và đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Viêm ruột thừa cấp: Có thể gặp ở mọi lứa tuổi trẻ em. Trẻ đau bụng tự phát khu trú ở hố chậu phải, kèm theo sốt vừa và nhẹ (380C), rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, nôn) đau kèm theo phản ứng thành bụng khi sờ nắn vào hố chậu phải. Hỏi trẻ đau ở đâu, trẻ thường chỉ vào vùng rốn, trẻ mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Cần xử lý bằng phẫu thuật. Nếu không mổ sớm thì ruột thừa bị mưng mủ hoặc hoại tử vỡ ra và gây viêm phúc mạc nguy hiểm đến tính mạng.
Để xác định nguyên nhân đau bụng ở trẻ em, cần có hiểu biết về cấu tạo khoang bụng.
Lồng ruột cấp tính: Bệnh hay gặp ở trẻ dưới 2 tuổi. Biểu hiện: trẻ đau bụng với những cơn đau ngắt quãng, đau từng cơn, mỗi cơn đau khóc thét, uốn người kèm theo nôn, da tái nhợt, có khi nôn hoặc đi ngoài phân lẫn nhầy và máu. Cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay, trẻ được bơm hơi, tháo lồng sẽ có kết quả tốt. Ngược lại, thể gây hoại tử ruột, phải mổ cắt ruột và việc hồi sức sau mổ sẽ gặp nhiều khó khăn.
Xoắn thừng tinh ở trẻ em nam: Trẻ đột ngột đau tinh hoàn kèm theo biểu hiện tăng thể tích tinh hoàn và rất đau khi sờ, đụng vào. Xoắn thừng tinh là một bệnh cảnh cần cấp cứu ngoại khoa can thiệp ngay. Nếu điều trị muộn tinh hoàn có thể bị hoại tử thành mủ, thoát ra khỏi bìu qua đường rò hoặc hoàn toàn bị teo trong vài tháng.
Xoắn u nang buồng trứng ở bé gái: Trẻ đau vùng bụng kèm theo nôn. Sờ nắn thấy một u ở vùng khung chậu - bụng.
Thoát vị bẹn nghẹn: Thắt nghẹn luôn là mối đe dọa đối với thoát vị bẹn ở trẻ em. Nguy cơ thắt nghẹn cao ở trẻ sơ sinh, trẻ sinh non. Khi bị nghẹt khối thoát vị căng và đau, sưng vùng bẹn hoặc bìu. Sờ, nắn vào trẻ phản ứng khóc to. Trong thoát vị bẹn ở nam các tạng sa xuống về phía bìu, còn ở nữ các tạng sa về phía môi lớn. Thoát vị bẹn nghẹt ở nam cũng như nữ nếu không xử trí kịp thời sẽ gây tổn thương nặng đối với tạng bị nghẹt, đặc biệt hoại tử vành quai ruột nguy hiểm đến tính mạng.
Lồng ruột - Một nguyên nhân gây đau bụng ở trẻ em.
Bệnh động kinh thể bụng: Trẻ đau bụng, nhiều khi đau dữ dội, đau không theo chu kỳ, lúc đau lúc không, lúc sốt, đôi khi liên quan đến trạng thái thần kinh. Bệnh thường khó phát hiện, muốn chẩn đoán chính xác để điều trị bạn cần đưa trẻ đến bệnh viện làm xét nghiệm, đặc biệt là phải điện não đồ.
Giun chui ống mật: Trẻ đột ngột đau bụng dữ dội kèm nôn nhiều, có trẻ còn nôn ra giun. Trẻ đau từng cơn, đau lăn lộn, vật vã; có trẻ phải ôm bụng hoặc nằm phủ phục, chổng mông để bớt đau hoặc bắt bế vác lên vai, bụng tỳ vào vai mẹ chạy quanh nhà. Rồi đột nhiên cơn đau dịu đi, trẻ mệt mỏi, vã mồ hôi, bụng hơi trướng, có phản ứng ở một phần tư bụng trên-phải, dưới bờ sườn phải và điểm dưới mũi ức rất đau, có thể thấy khối u (búi giun) ở vùng thượng vị. Đây là một trong những trường hợp đau bụng thường gặp ở trẻ 3-7 tuổi. Giun đũa chui qua cơ vòng Oddi vào đường dẫn mật. Số lượng giun lên ống mật có thể chỉ một, vài con nhưng có trường hợp tới hàng trăm con.
Tắc ruột do bã thức ăn: Trẻ đau bụng kèm theo nôn, bí trung đại tiện. Cơn đau bụng xuất hiện có thể xảy ra đột ngột và dữ dội; kéo dài khoảng 2-3 phút, giảm dần rồi lại đau trở lại; lúc đầu cơn đau thưa, sau đó cường độ ngày càng tăng và càng mau; điểm đau trên rốn, quanh rốn bên trái hoặc bên phải bụng, vùng chậu... sau đó lan tỏa nhanh chóng ra toàn bụng. Tắc ruột còn có thể gặp ở trẻ bị nhiễm giun nhiều, cơ thể gầy yếu. Các trường hợp tắc ruột do bã thức ăn phải xử trí can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật để lấy khối bã thức ăn ra mới khỏi được, vì vậy cần thận trọng trong việc ăn uống và nên tẩy giun định kỳ 6 tháng đến 1 năm/1 lần.
Lời khuyên của thầy thuốcTrẻ em bị đau bụng cần được theo dõi sát các dấu hiệu và nếu gặp một trong các trường hợp đau bụng cấp như trên cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Không tự ý dùng thuốc cho trẻ làm lu mờ các triệu chứng của bệnh.
TS.BS. Lê Thị Hương